Tin thị trường

Có hay không việc cạnh tranh không lành mạnh của Grab và Uber với taxi truyền thống?

(Dân Việt) Đại diện các hãng taxi truyền thống đặt câu hỏi, có hay không việc cạnh tranh không lành mạnh của Grab và Uber với các hãng taxi truyền thống trong phương thức hoạt động kiểu “đốt tiền” của họ. Tại buổi Hội thảo, ông Đỗ Việt Thắng – Phó Giám đốc hãng taxi Thành Công Car đặt câu hỏi: "Loại hình hoạt động của Garb và Uber ở Việt Nam hiện nay thực tế có phải đã vi phạm Luật cạnh tranh hay không"?

Những câu hỏi này đã được đưa ra tại buổi Hội thảo "Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Luật cạnh tranh (sửa đổi)" do Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tổ chức ngày 10.5 tại Hà Nội.

Một số đại biểu đã đặt ra câu hỏi, Luật Cạnh tranh đang bộc lộ những “điểm yếu” sau hơn 10 năm ban hành hay năng lực của các cơ quan thực thi có “vấn đề”. Bởi hơn một thập kỷ các cơ quan chức năng mới chỉ xử lý được 8 vụ vi phạm với số tiền xử phạt gần 5,5 tỷ đồng, đây là một con số quá khiêm tốn.

Tại buổi Hội thảo, ông Đỗ Việt Thắng – Phó Giám đốc hãng taxi Thành Công Car đặt câu hỏi: "Loại hình hoạt động của Garb và Uber ở Việt Nam hiện nay thực tế có phải đã vi phạm Luật cạnh tranh hay không"?

Ông Thắng cho rằng, trong rất nhiều cuộc họp gần đây, mọi người nói nhiều về bất bình đẳng giữa hai loại hình  taxi  truyền thống và  Grab, Uber thể hiện ở việc logo, số lượng xe hoạt động, việc gắn mui xe và xe của Uber, Grab không có đường nào bị cấm như xe taxi…Phải chăng đang có “vấn đề”.

Theo ông Thắng, các hãng này họ huy động nguồn vốn từ các quỹ đầu tư của nước ngoài, sau đó chiếm thị trường bằng cách “đốt tiền”  thu hút hết khách hàng của taxi truyền thống.

Đầu tiên, họ đưa ra các chương trình khuyến mại rất khủng kiểu “đốt tiền” cho các khách hàng. Các chương trình như đi 3 chuyến đầu giảm 30.000 đồng/chuyến hoặc giảm 50% giá cước. Hay giảm giá 50% vào các buổi sáng, giảm 30.000 đồng cho 3 chuyến kế tiếp nếu giới thiệu được thêm 1 người sử dụng dịch vụ của họ… “Chắc chắn, khi họ đã “hạ gục” được các đối thủ là taxi truyền thống rồi thì các đợt khuyến mãi sẽ giảm dần và bắt đầu tăng giá cước. Khi taxi truyền thống chết hẳn thì chẳng còn ai cạnh tranh với họ, lúc đó lợi ích của người tiêu dùng mới bị thiệt thòi”, ông Thắng phân tích.

Theo ông Thắng, vấn đề này các hãng Grab và Uber sẽ còn gặp nhiều ở các nước bởi mô hình này còn quá mới mẻ và họ vẫn đang “lách” được nhiều quy định ở các nước khác nhau. Tuy nhiên, mới đây ở Rome, Ý  đã có một tòa án phán quyết, chấp thuận  khiếu nại của hãng taxi Union, buộc Uber dừng các hoạt động quảng bá cũng như hoạt động tại Ý trong vòng 10 ngày. Nếu như Uber không thực hiện theo yêu cầu sẽ phải chịu khoản tiền phạt là 100.000 euro mỗi ngày.

“Vậy các dấu hiệu của Grab, Uber ở Việt Nam đã vi phạm vào Luật cạnh tranh chưa? Các cơ quan quản lý có vào cuộc để làm rõ vấn đề này hay không?”, ông Thắng đặt câu hỏi.

Khi các hãng Grab, Uber "hạ gục" được tác xi truyền thống thì người dân có còn được khuyến mãi?

Trước câu hỏi của ông Thắng, “chủ tọa” của buổi Hội thảo là VCCI đã từ chối trả lời vào các vụ việc chi tiết còn đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương ) cũng từ chối trả lời và khất vào một dịp khác cần nghe kỹ hơn.

TS. Nguyễn Đức Thành -  Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách cho rằng: Đúng là lĩnh vực cạnh tranh không lành mạnh muốn xác định được không hề đơn giản. Muốn biết được Uber, Grab có vi phạm cạnh tranh không, lành mạnh hay không cần phải có rất nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau như luật sư, chuyên gia thương mại,  kinh tế, vận tải…ngồi lại và cơ quan chức năng phải đứng ra làm trọng tài.

Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT), từ khi Luật Cạnh tranh ra đời năm 2005, đến nay, Cục QLCT đã tổ chức điều tra 8 vụ việc hạn chế cạnh tranh, trong đó, chuyển 5 hồ sơ vụ việc sang Hội đồng cạnh tranh để xử lý theo quy định của pháp luật. Các cơ quan cạnh tranh đã ra quyết định xử lý, thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền phạt và phí xử lý vụ việc cạnh tranh gần 5,5 tỷ đồng. Các doanh nghiệp và người dân đang kỳ vọng với Luật cạnh tranh sửa đổi liệu có bảo vệ được tốt hơn các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh thay vì “mờ nhạt” như nhận định của nhiều chuyên gia trong suốt 10 năm qua. 

Nguồn: danviet.vn

Gửi phản hồi